THOÁI TRIỂN NGÔN NGỮ
Khi một bé đang nói chuyện bình thường, phát triển ngôn ngữ bình thường, rồi tự nhiên bị mất đi thì phụ huynh thường sẽ bị khủng hoảng. Rối loạn này hay xảy ra với trẻ từ 15 tới 30 tháng tuổi, và có khi xảy ra rất nhanh. Người ta cũng hay nhầm lẫn giữa Chậm phát triển (nói chung), Chậm phát triển ngôn ngữ, Thoái triển ngôn ngữ và Tự kỷ.
Vâng, có Thoái triển ngôn ngữ không có nghĩa là trẻ có rối loạn Tự kỷ.
Phản ứng đầu tiên của phụ huynh thường là tìm mọi cách để phục hồi, lấy lại những từ mà con mình đã nói được, giờ lại không nói nữa. Đây là phản ứng tự nhiên của một phụ huynh, nhưng đáng tiếc có khi lại là nguyên do cho một trong những lỗi can thiệp hay gặp nhất.
Người ta nhầm lẫn 2 khái niệm Ngôn ngữ và Ngôn ngữ nói, có thể hiểu sơ sài Ngôn ngữ là điều kiện cần, còn Ngôn ngữ nói là điều kiện đủ để một đứa trẻ có thể nói chuyện được, phát triển bình thường. Ví von một cách hơi khập khiễng thì Ngôn ngữ là trong đầu có những ý nghĩ có thể nói ra được, còn Ngôn ngữ nói là các cơ quan, hệ thống thần kinh, bắp thịt vùng miệng giúp một đứa trẻ nói ra được những ý nghĩ trong đầu. Vậy thì để nói được, ít nhất trong đầu cần có gì đó để nói chứ.
Thoái triển làm đứa bé mất ngôn ngữ nói, không nói được nữa, nhưng chưa chắc đã mất ngôn ngữ. Phụ huynh có thể lo lắng nên chăm chăm tìm cách cho con mình nói lại được, mà quên đi việc can thiệp, tiếp tục dạy con mình phát triển ngôn ngữ.
Can thiệp sai như vậy, trong trường hợp xấu nhất, đứa trẻ sẽ không những không nói được, mà còn chẳng có gì trong đầu để nói. Cho nên cũng không dùng thẻ, dùng một hệ thống giao tiếp, dùng AAC gì đó để mà hòa nhập được.
Trong những trẻ bị thoái triển ngôn ngữ, có khi đó là do có rối loại gọi là CAS (Childhood Apraxia of Speech), tức là một rối loạn liên quan tới khó khăn trong việc điều khiển các cơ quan liên quan tới phát âm, liên quan tới kết hợp các âm để nói ra. Rối loạn này tương đối hiếm, chỉ khoảng 0,1 tới 0,2 phần trăm, nhưng người ta lại cứ lo uốn, nắn, mát-xa mồm miệng đứa bé một cách không liên quan.
Ở Nhân Văn, việc can thiệp để một trẻ nói ra được, phát âm được và việc giáo dục để trẻ đó có được ngôn ngữ (trong đầu) thường diễn ra song song. Nhờ vậy chúng tôi có những học sinh, dù không thể phát âm được, hoặc phát âm không rõ ràng, vẫn có một hệ thống ngôn ngữ để thay thế. Dĩ nhiên chúng tôi không dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ Tự kỷ, vì sao thì xin nói ở bài sau.
TTNV